Diễn Đàn Họ Đặng Việt Nam, Ho Dang Viet Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TƯỚNG QUỐC CÔNG ĐẶNG TẤT (Năm 1352-1409)

2 posters

Go down

TƯỚNG QUỐC CÔNG ĐẶNG TẤT (Năm 1352-1409) Empty TƯỚNG QUỐC CÔNG ĐẶNG TẤT (Năm 1352-1409)

Bài gửi by hodangvietnam Thu Mar 07, 2013 12:44 am

Đặng Tất sinh năm Nhâm Thìn (1352), quê thôn Tả Hạ, xã Tả Thiên Lộc, huyện Phi Lộc (Thiên Lộ) lộ Nghệ An, nay là xóm Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đậu Thám hoa thời Trần Thuận Tông (1388-1398).

Thân phụ Đặng Tất là tri châu Đặng Đình Dực, sinh đồ Quốc Tử Giám, thân mẫu của Ngài là Từ Huệ.

Đặng Tất là cháu 7 đời Thám hoa Đặng Ma La (1234). Ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, giỏi cả văn chương, cả võ nghệ binh thư, vì thế lớn lên Ngài trở nên văn võ toàn tài.

Vốn xuất thân từ một danh gia vọng tộc, trong đó có nhiều vị tiền bối từng đỗ đạt cao, làm quan to được người đời trọng dụng và sử sách lưu danh, Ngài đi thi Hương đậu Cống sĩ, đi thi Hội trúng Tam trường, đi thi Đình trúng Thám hoa, ra làm quan đến chức Hành Khiển. Cuối đời Trần Ngài giữ chức Đại tri châu Hoá Châu.

Châu Hoá cuối đời Trần nằm ở phía nam Châu Thuận, giáp giới đất Chiêm Động của Chiêm Thành, bao gồm các vùng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và các huyện phía Bắc Quảng Nam ngày nay.

Năm 1400 khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, đổi tên quốc hiệu gọi là Đại Ngu. Hồ Quý Ly giao cho Đặng Tất tiếp tục giữ chức Đại tri châu Hoá Châu như trước. Năm 1402, Đặng Tất được lệnh chuẩn bị đủ lương thực, quân trang dân phu... ở nơi địa đầu, phục vụ cho Hồ Hán Thương đi đánh quân Chiêm Thành. Sau trận đại thắng này, vua Chiêm Thành phải dâng cho nhà Hồ vùng đất của 4 châu Thăng – Hoa – Tư – Nghĩa.

Đặng Tất gắn bó với đất Châu Hoá 17 năm trời, phúc cùng hưởng, khó khăn hoạn nạn cùng lo, bản thân sống liêm khiết mẫu mực, được nhân dân coi như quan phụ mẫu, triều đình coi như thổ quan tâm phúc của mình.

Cuối năm 1406, vua Minh Thành Tổ (phương bắc) sai tướng Trương Phụ và Mộc Thạch đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”. Mặc dù nhà Hồ đã có dự liệu trước và có sự chuẩn bị khá chu đáo nhưng trước sức tấn công mãnh liệt của quân giặc, đã không có kế hoạch chiến lược, chiến thuật thích hợp, lại thêm lòng dân không phục, không theo nên nhanh chóng bị thất bại, đến nửa năm sau (1407) Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng và nhiều thân vương, tướng lĩnh bị giặc Minh bắt và giết chết.

Lợi dụng lúc quân Minh ồ ạt kéo quân vào đánh chiếm Đại Ngu, vua Chiêm Thành một mặt xúi giục một bộ phận người Chiêm trên đất Thăng Hoa nổi giậy, mặt khác thúc quân lính tiến ra Bắc đánh chiếm Thăng Hoa, uy hiếp Châu Hóa

Từ năm 1402, nhà Hồ đã điều Nguyễn Cảnh Chân vào làm An Phụ sứ lộ Thăng Hoa nhưng thực quyền vẫn là Hoàng Hối Khanh và một phần đất còn lại là Châu Tử, Châu Nghĩa vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Chế Ma Nô Đà Nan.
-         Một thân vương của Chiêm Thành đã quy hàng sang nhà Hồ, được nhà Hồ phong cho làm Huyện Thượng hầu và ở lại trông coi.

Khi quân Chiêm Thành do vua Chiêm Ba Dịch lại cầm đầu tiến hành đánh Thăng Hoa, Hoàng Hối Khanh bỏ chạy ra Hoá Châu, còn Chế Ma Nô Đà Nan bị giết chết tại trận.

Hoàng Hối Khanh chạy đến Hoá Châu thì bị trấn thủ sứ lộ Thuận Hoá là Nguyễn Phong ngăn chặn không cho vào thành.

Đặng Tất thấy vậy rất bất bình bèn đưa quân ra cứu Hoàng Hối Khanh, sau đó cử người đưa Hoàng Hối Khanh về Bắc. Trên đường về ra đến cửa sông Lam thì gặp quân Trương Phụ chặn đánh. Hoàng Hối Khanh bị truy đuổi liền nhảy xuống sông tự tử. Trương Phụ cho vớt xác lên chặt đầu lên bêu ở chợ Đông Đô.

Còn ở Thuận Hoá, có Tả Châu Phán là Nguyễn Rỗ cùng phe với Nguyễn Phong, khi nghe tin Nguyễn Phong bị giết chết bèn đưa quân ra đánh Đặng Tất. Hai bên đánh nhau cả tháng trời, cuối cùng do không có viện binh, Nguyễ Rỗ đem tàn quân sang đất Chiêm Thành. Về sau dưới áp lực của tướng Trương Phụ, vua Chiêm Thành phải giao nộp Nguyễn Rỗ, quân Minh giải sang Kim Lăng rồi giết chết ở đó.

Trước thế giặc mạnh như vũ bão, Đặng Tất nhận rõ sức mình, nếu lúc này mà đem quân mình chiến đấu với giặc mạnh như thế chẳng khác nào lấy trứng trọi với đá. Vì vậy, Ngài đã tính đến khả năng chạy đến Chiêm Thành, rồi tính đến chuyện gây dựng lại sau này, hoặc tương kế tựu kế trá hàng nhà Minh theo lời kêu gọi của Trương Phụ. Đặng Tất đã bàn bạc với các em, các con và các sĩ phu tâm phúc thân cận, cuối cùng đi đến quyết định trá hàng để bảo toàn lực lượng, sau đó tạo cơ hội, tính bề rửa hận.

Trương Phụ lấy được Hoá Châu nguyên vẹn và dễ dàng trong bụng lấy làm hả dạ. Hắn thực hiện âm mưu “dùng người An Nam trị người An Nam” bèn vỗ về Đặng Tất rồi tiếp tục giao giữ chức Đại tri châu Hoá Châu và thêm một phần đất Thuận Châu.

Tuy nhiên, giặc Minh vẫn cử nhiều tên quan lại người Minh cùng 5000 quân sĩ ở tại Hoá Châu giám sát động tĩnh.

Quân Minh sau khi đập tan sự đề kháng của triều Hồ coi như đã bình định được toàn cõi nước Việt, bèn tính đến việc rút quân để tránh thời tiết nắng nóng ác liệt và đường tiếp tế khó khăn phức tạp ở nơi này. Tháng 8 năm 1407 Ngài cho Mộc Thạch đưa một bộ phận rút quân về nước. Trương Phụ còn ở lại đến năm sau để lập lại quyền cai trị. Đất Giao Châu chia lại thành 5 năm châu, 15 phủ gồm 36 huyện, giao cho Đô chỉ huy Lữ Nghị giữ chức Đô ti, thượng thư Hoàng Phúc, Đô Đốc Hoàng Trung, phó Đô Ti. Từ đó quân lính ngày đêm canh giữ, tiến hành đàn áp, cướp phá, bóc lột nhân dân hết sức tàn tệ.

Nhân dân Đại Việt không cam tâm làm nô lệ đã đứng lên khởi nghĩa khắp nơi, chống lại ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Nhân dân Cao Bằng nổi dậy giết chết tướng giặc Cao Sĩ Văn; Phạm Chấn nổi lên ở Đông Triều, Trần Nguyệt Hồ, Phạm Tất Đạt nổi lên ở Bắc Giang, Trần Nguyên Thôi nổi lên ở Phú Thọ; Trần Nguyên Khoáng, Nguyễn Đa Bi nổi lên ở phủ Thái Nguyên....Tuy nhiên lực lượng mỏng, dàn trải ở nhiều nơi lại thiếu thủ lĩnh có tài chỉ huy nên chỉ sau một thời gian ngắn bị quân Minh đánh lại quyết liệt đã nhanh chóng bị thất bại.

Cuộc khởi nghĩa đáng kể nhất là của Trần Triệu Cơ ở Yên Mô, Trường Yên, Ninh Bình vào cuối năm Đinh Hợi (1407), để gây thanh thế đã tôn phù Giản Định Trần Ngỗi (Con thứ của vua Trần Nghệ Tông 1370 – 1372) lên làm Giản Định Đế, lập hành cung ở Yên Mô phất cao cờ đánh đuổi giặc Minh, khôi phục nhà Trần.

Giản Định Đế vừa mới phô trương thanh thế, đánh thắng bọn nguỵ quan giải phóng được một số làng xã trong vùng, lập tức bị bọn tướng Minh đem quân tiến đánh, lực lượng nghĩa quân lúc ấy còn non trẻ cũng nhanh chóng bị đánh bại. Giản Định Đế buộc phải thu tàn quân rút vào Nghệ An.

Đặng Tất bấy giờ ở Hoá Châu biết tin Giản Định Đế đứng lên khởi nghĩa nhưng đang thất thế, chạy vào Nghệ An.

Vốn sẵn lòng yêu nước nồng nàn, văn võ đều giỏi, chỉ vì vận nước thất cơ, bất lợi nên phải tính kế trá hàng quân Minh, nay Đặng Tất nghe tin họ Trần có người nối nghiệp, muốn tính chuyện đại sự nên rất mừng. Đặng Tất đã bí mật bàn với những người em Đặng Đức, Đặng Quý, Đặng Quang, cùng các người con Đặng Dung, Đặng Chủng, Đặng Liên, Đặng Thát, Đặng A Thiết, Đặng A Noãn và cả người con gái yêu là Thuý Hạnh lập mưu, dùng binh lực đã có hàng vạn người trong tay, đánh tan bọn quân Minh tại Vệ Sở - Thuận Hoá, giết chết bọn quan quân nhà Minh đang giám sát tại Châu Lỵ - Hoá Châu.

Diệt xong bọn giặc minh ở Thuận Hoá, Đặng Tất giao cho 2 người em là Đặng Đức, Đặng Quí tạm quyền việc trấn tại Hoá Châu, rồi thu nạp quân lính gần vạn người kéo ra Nghệ An xin theo Trần Ngỗi.

Giản Định Đế Trần Ngỗi gặp được Đặng Tất với đội quân hùng mạnh, trong bụng vừa mừng, vừa lo. Mừng là nay có thêm đội quân hùng mạnh tôn phò, lo là vì trong lòng dạ vẫn có mối ngờ vực về con người Đặng Tất, vì sao Đặng Tất được cả Hồ Quý Ly lẫn tướng Minh – Trương Phụ đều tin dùng, đều giao lại giữ chức Đại chi Châu Hoá? lại biết rất rõ Đặng Tất lại xuất thân từ một gia đình khoa cử có tiếng tăm, giỏi cả văn lẫn võ đã thi đậu Thám hoa vào cuối triều Trần!.

Đặng Tất khi gặp Trần Ngỗi nhìn thấy nét tươi cười lẫn e ngại trên khuôn mặt, hiểu ngay tâm trạng của ông vua này trong lòng dạ còn ngờ vực mình?

Đặng Tất suy nghĩ lao lung và đem chuyện đó ra bàn với các con. Cha con bàn đi tính lại, nói làm sao, có việc làm gì để tỏ rõ sự chân thành của mình cho Trần  Ngỗi tin dùng.

Đặng Tất ngồi im lặng một lúc, đưa mắt nhìn người con gái yêu ngồi bên cạnh.

Đặng Thị Thuý Hạnh lễ phép xin thưa với cha: Vì nghĩa lớn con xin đưa phận mình tạo dựng nên lòng tin của Đức vua, để từ đó cha có cơ hội được báo đền nợ nước!.

Đặng Tất nói rằng: E một nỗi Đức Vua đã có chính phi Đỗ Thị Nguyệt rồi, mà nghe đâu người đàn bà ấy hết sức cay nghiệt!.

Nghe Thuý Hạnh đưa ra ý kiến rất quả quyết, Đặng Tất và các người anh vừa thương, vừa cảm phục Thuý Hạnh đã hi sinh thời con gái vì nghĩa lớn.

Vui mừng chấp nhận Đặng Thị Thuý Hạnh làm Hậu phi, Giản Định Đế lập tức xoá tan mọi nỗi nghi ngờ, phong cho Đặng Tất giữ chức Quốc công Tiết chế, giao cho thống lĩnh toàn bộ nghĩa quân lo việc đánh giặc.

Giản Định Đế còn đồng thời phong chức cho các người anh của Thuý Hạnh: Đặng Dung giữ chức trấn quốc tướng công, Đặng Chủng được phong Hàn lâm viện thị giảng, Đặng Liên đã phong Hiệu thư, Đặng Thất được phong Đô uý.

Lúc bấy giờ khắp các nơi trong nước biết tin Đặng Tất vừa diệt tan bọn quân Minh ở Hoá Châu, đưa toàn bộ gia đình và binh lực tôn phù Giản Định Đế cho nên nhiều cựu thần, tướng lĩnh của triều Trần, triều Hồ cùng nhiều sĩ phu, tráng sĩ yêu nước khác đã lần lượt tìm đường về Nghệ An xin gia nhập nghĩa quân.

Nguyễn Cảnh Chân người đất Ngọc Sơn (Nam Đàn - Nghệ An) là An phủ sứ lộ Thăng Hoa, vốn là bạn thân của Đặng Tất, cũng kéo quân ra Nghệ An xin nhập, được Giản Định Đế phong chức Đồng chi khu mật viện tham mưu quận sự.

Tiếp theo Phạm Chấn, Trần Ngạn Chiêu... đều là thủ lĩnh quân khởi nghĩa bị tướng Minh đánh tan rã cũng tìm đến Nghệ An xin gia nhập. Đến cuối năm 1407, thế lực nghĩa quân của Giản Định Đế đã trở nên khá mạnh.

Đầu năm 1408, dưới sự chỉ huy của Quốc công ĐẶng Tất, nghĩa quân mở đợt tấn công lớn tiến đánh các lộ thành Nghệ An, Diễn Châu, tiêu diệt bọn quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc Minh như Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu...giải phóng hai lộ Nghệ An và Diễn Châu, gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay.

Trương Phụ bấy giờ đang định đưa quân về Bắc, bỗng nghe tin báo Nghệ An, Diễn Châu bị thất thủ mất vào tay quân khởi nghĩa, bèn thay đổi kế hoạch lập tức đưa quân xuống phía nam cùng các tên nguỵ quan Tham Chính Mạc Thuỵ ở Diễn Châu, Tri phủ Phạm Thế Căng ở Thăng Bình, v.v... đánh tan tác quân khởi nghĩa, buộc Đặng Tất phải đưa Giản Định Đế rút chạy, bỏ Diễn Châu và Nghệ An, để bảo toàn lực lượng, phải đưa quân trở lại căn cứ ở Hoá Châu, chờ thời cơ phản công lại.

Tháng 4 năm 1408, Trương Phụ rút quân bản hộ về nước theo lệnh của Minh Thành Tổ.

Sau khi Mộc Thạch, Trương Phụ rút đại bộ phận quân mình về nước, chỉ còn lại vài vạn tên, chúng lại phải đóng phân tán, sức mạnh tập trung bị giảm sút đáng kể. Lợi dụng thời cơ đó, Đặng Tất rước Giản Định Đế trở lại Nghệ An.

Không thể để quân Minh chia cắt vùng đất Hoan Châu với Nghệ An, Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân thống nhất với Giản Định Đế đem quân đánh tan bọn Phạm Thế Công, Phan Quí Hữu, Phạm Đống Cao... ở Tân Bình, ở vùng An Đại. Thắng trận, Đặng Tất chia quân đi các ngả truy bắt tàn quân nhà Minh và bọn quan lại làm phản còn ẩn trốn trong vùng, đồng thời yết thị kêu gọi hào kiệt và trai tráng đứng lên theo nghĩa quân đánh giặc. Nhân đà thắng Tân Bình, Đặng Tất cho quân đánh cả hai mặt đường thuỷ và đường bộ giải phóng Thuận Châu. Thắng trận này đã có vùng giải phóng rộng lớn từ nghệ An vào đến Hoá Châu.

Mùa thu năm 1408, Đặng Tất đưa quân sĩ đánh quân Minh, giải phóng vùng đất Diễn Châu, Thanh Hoá, và tiếp tục cho quân đánh các trận ở Bình Than, Tam Giang Phú Thọ, vây hãm vùng ngoại vi thành Đông Quan.

Trước thế lực bị vây hãm, bọn tướng Minh Lữ Nghị, Hoàng Phúc, Hoàng Trung...không chống nổi buộc phải cố thủ Đông Quan, và phải viết sớ về Kim Lăng xin Minh Thành Tổ đưa quân sang cứu viện khẩn cấp.

Bấy giờ Minh Thành tổ tuy bận phải đối phó với quân nổi loạn ở các tộc Thát Đát, Ngoã Lạt, Ngột Lương, v..v..nhưng vẫn không thể không để ý đến phương Nam, liền sai Tổng binh Kiến quốc Công Mộc Thạch cùng 5 vạn quân trở lại Đại Việt theo đường Vân Nam – Đông Quan tiến xuống phía Nam cứu viện.

Tướng Mộc Thạch và Lưu Tuấn đưa 5 vạn quân tới thành Đông Quan, đã hội tụ với tướng Lữ Nghị, Lưu Dục còn đang cố thủ trong thành hợp thành đạo quân mạnh gồm 10 vạn tên, chúng phân chia làm 2 mặt thuỷ bộ tiến xuống phía Nam, với ý định nhanh chóng bóp vụn nghĩa quân, tiêu diệt Giản Định Đế, Đặng Tất để bình định đất phương Nam.

Nghe tin ấy, nhân dân càng nung nấu ý chí căm thù giặc, hàng vạn người xin ra nhập nghĩa quân. Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân cùng nhiều tướng quân khác đang ngày đêm luyện quân và chuẩn bị khí giới, quân lương cho các trạn quyết chiến sắp tới và thống nhất kế sách dùng ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, dựa vào sở trường của mình đánh vào sở đoản của giặc, có chắc thắng mới đánh...

Đặng Tất cùng bộ chỉ huy nghĩa quân tiên đoán rằng: Mộc Thạch là tên tướng già có kinh nghiệm chỉ huy trận mạc, lại thuộc địa hình, chiến trận nước ta, vì vậy quân ta phải chủ động nhử quân giặc vào trận địa mà ta đã phục sẵn ở tuyến Tam Điệp - Điện Sơn và sẽ tiêu diệt chúng ở Bô Cô.

Quân đường bộ của Mộc Thạch gồm bộ binh và kị binh tiến theo đường thiên lý Bắc – Nam đến bờ bắc sông Đáy, bắc cầu vượt qua đánh sang hữu ngạn, vượt đèo Tam Điệp, tiến vào Thanh Hoá...

Quân thuỷ đi từ Đông Quan xuôi theo sông Cái (sông Hồng) băng qua sông Châu Giang (ngày xưa sông rất rộng) và sông Đáy, qua Thanh Liêm, Lý Nhân theo bờ sông Đáy đến Bô Cô – Phúc Thành gặp quân đường bộ.

Đánh đòn đường thuỷ thì giao cho Đặng Dung chỉ huy, cho quân dùng thuyền nhỏ, nhẹ, luồn lách mai phục trong lau sậy, cỏ lác....

Đánh đường bộ cho quân chốt chặt, mai phục ở Ý Yên, Thanh Liêm, Hoa Lư...và nhử quân Minh xuống bến Bô Cô.

Bến Bô Cô bên bờ sông Đáy, nơi đây xung quanh là đất sình lầy, lau sậy rậm rạp sẽ không thích hợp với đội quân kị binh, đánh bộ của Mộc Thạch.

Sau 2 ngày hành quân, quân đường bộ đã hạ trại nghỉ ngơi cách Bô Cô vài dặm, quân đường thuỷ cũng vậy, dàn quân cách xa vài dặm mới đến Bô Cô. Tướng Mộc Thạch, Lữ nghị đã cho quân di dò xét động tĩnh cũng chẳng thấy gì.

Sáng sớm hôm sau, cả quân bộ lẫn quân thuỷ của quân Minh tiến vào Bô Cô, mặc cho chúng hí hửng hi vọng trận này sẽ bóp nát nghĩa quân, càng tiến sâu vào trận địa chúng càng hò reo.

Bỗng từ trên núi Dục Thuỷ, núi Cánh Diều pháo lệnh bắn lên không dứt, cờ lệnh được phất mạnh và nhiều đống lửa cháy lớn khắp trận địa, những cột khói bay mù trời, tiếng hò reo của nghĩa quân vang lên như sấm, cả vạn quân như từ dưới đất chui lên, vạch lau sậy trùng trùng lao thẳng vào quân Minh, đầu giặc bị chém rụng như sung, từng đoàn kị binh không sao chạy được, đành để mặc cho nghĩa quân đam chém. Cả tướng lẫn quân lao xao như bị đốt cháy nháo nhào trong lò thiêu khổng lồ.

Ở dưới sông quân ta giả vờ thua chạy, thuyền giặc đuổi theo khi nước còn ngập bãi cọc đến khi quân ta phản công, cánh quân mai phục hai bên bờ bắn tên ra như mưa và thuyền của ta quay đầu lại tấn công, buộc chúng phải tháo chạy, khi ấy nước rút, thuyền giặc mắc cạn, thuyền thì chìm, thuyền thì vỡ, quân giặc bị chết trôi nổi như lá rụng, máu nhuộm đỏ dòng sông, gây nên cảnh tượng vừa hào hùng vừa kinh hãi, hiếm thấy.

Chỉ chưa đầy một ngày, vào ngày 14 tháng Chạp năm Mậu Tý (1408) dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng Đặng Tất và bộ tham mưu cùng hàng vạn quân Minh hùng hùng, hổ hổ tan nát không còn mảnh giáp đeo thân. Tướng Mộc Thạch phải lẩn trốn trong thành Mộ Độ, nhiều ngày sau mới chạy thoát về Đông Quan.

Đại thắng Bô Cô thật sự là một trong những đại thắng tuyệt vời nhất của dân tộc Việt Nam ta.

Rất tiếc sau đại thắng, trong nội bộ cơ quan đầu não của nghĩa quân nảy sinh những bất đồng về sách lược dẫn đến nghi kị, cuối cùng hậu quả nguy hại, cực kì nghiêm trọng.

Trong khi Giản Định Đế chủ trương thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu một mạch, tiến đánh thẳng vào thành Đông Quan thì Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân lại muốn, một mặt truy bắt hết bọn giặc còn sống sót trong vùng, mặt khác chuẩn bị thêm về mọi mặt rồi hãy kéo đại quân về giải phóng Đông Đô.

Giữa lúc vua tôi đang bàn mưu kế ở lại bản doanh, đóng bên sông Hoàng Giang - Cầu Giám Khẩu, Giản Định Đế đã nghe lời bọn quan cận vệ, vốn có hiềm khích với Đặng Tất. Nguyễn Quí và Nguyễn Mộng Trang tâu rằng: Tất và Cảnh Chân chuyên quyền, nếu không tính sớm sẽ là mối hiểm hoạ sau này!.

Vốn đang tức giận Đặng Tất không nghe theo ý mình, nay nghe theo bọn xu nịnh càng thêm bất hoà, nghi kị. Vua bèn bày trò ma quỷ cho mời Đặng Tất – Cảnh Chân cùng ngự thuyền bàn việc quân rồi sai bọn lực sĩ bóp cổ Đặng Tất cho đến chết, Cảnh Chân vội nhảy xuống sông, cố bơi đến bờ cũng bị bọn lực sĩ đánh chết!.

Cái chết của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân vào lúc này đã làm mất cơ hội giải phóng thành Đông Quan. Trần Ngỗi lộ mặt là kẻ độc ác, tự thắt cổ mình để mất cơ hội làm Đế vương của nhà nước Đại Việt độc lập, mất cơ hội khôi phục nhà Trần.

Đặng Tất là con người tài hoa, anh hùng lỗi lạc, từng oanh liệt hiến trọn đời mình cho công cuộc khởi đầu kháng chiến thần thánh chống giặc Minh xâm lược, viết nên trang sử hào hùng đóng góp xứng đáng vào truyền thống lịch sử anh hùng bất khuất hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm của nhân dân đất Việt.

hodangvietnam

Tổng số bài gửi : 47
Join date : 26/02/2013

Về Đầu Trang Go down

TƯỚNG QUỐC CÔNG ĐẶNG TẤT (Năm 1352-1409) Empty Re: TƯỚNG QUỐC CÔNG ĐẶNG TẤT (Năm 1352-1409)

Bài gửi by vietnd Tue Nov 14, 2017 4:37 pm

tác gải điều chỉnh lại Hồ Hán Thương không phải Hồ Hán Chương . xin cảm ơn!

vietnd

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 14/11/2017

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết